Chống đôla hóa: Kiên quyết với chiến lược dài hơi
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet). |
Trong mấy ngày gần đây, một số ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất huy động USD xuống như Ngân hàng Kiên Long giảm từ 6% xuống còn 5%/năm, Eximbank còn 5,35%, VietinBank xuống còn 5%.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, đây có thể là dấu hiệu hạ nhiệt của cuộc đua lãi suất USD.
Nhiều biện pháp mạnh
Trong thời gian qua, sự tồn tại của thị trường ngoại tệ tự do khiến một khối lượng lớn đô la trôi nổi trong dân cư không được kiểm soát và làm gia tăng tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế.
Không chỉ là tác nhân gây bất ổn cho thị trường ngoại hối, đây cũng là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng các hoạt động kinh tế ngầm và các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp khác, góp phần làm khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước; gây trở ngại cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát các hoạt động kinh tế.
Chính vì vậy, việc chống đô la hóa không chỉ có Ngân hàng Nhà nước mà còn có sự tham gia của nhiều bộ ngành khác.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, Ủy ban Giám sát tài chính đang đệ trình Chính phủ một đề án chiến lược chống đô la hóa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa đề xuất gói giải pháp gồm 5 điểm được nhiều chuyên gia kinh tế tán đồng. Giải pháp đầu tiên trong 5 nhóm giải pháp được bộ này đề nghị áp dụng là: Cần thực hiện các biện pháp vĩ mô để tăng dự trữ USD; chủ động trong điều hành tỷ giá, tránh tăng tỷ giá quá mạnh gây kích thích tâm lý dự trữ USD; thực hiện đa dạng hóa ngoại tệ, tránh phụ thuộc vào USD.
Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị giải pháp thu hút triệt để ngoại tệ từ các doanh nghiệp, cá nhân, người Việt Nam ở nước ngoài khi mang ngoại tệ vào Việt Nam; khuyến khích tăng tỷ lệ quy đổi sang VND với số lượng USD lớn; sửa đổi các văn bản và quản lý chặt chẽ việc niêm yết hàng hóa trong nước bằng VND, chẳng hạn ban hành một pháp lệnh hẳn hoi.
Theo các chuyên gia tài chính, các giải pháp trên sẽ góp phần xóa bỏ tình trạng đô la hóa. Tuy nhiên, các giải pháp cần thực hiện ngay là tăng dự trữ USD, bán ngoại tệ cho người dân có nhu cầu chính đáng, ngăn chặn ngoại tệ chảy ra nước ngoài.
Tại hội nghị giao ban Chính phủ cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề xuất một số ý tưởng lên Chính phủ. Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này phải bán ngay số ngoại tệ này cho tổ chức cho vay để quay nhanh đồng vốn, nguồn ngoại tệ doanh nghiệp thu được cũng phải trả ngay cho tổ chức tín dụng cho vay. Các đối tượng nhập khẩu được vay ngoại tệ nếu chứng minh được doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ thanh toán khi nợ đến hạn. Các nhu cầu ngoại tệ khác đều được chuyển sang hình thức mua-bán.
Liên quan đến nhu cầu ngoại tệ tiền mặt và kiều hối của cá nhân, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang nghiên cứu vấn đề thu phí của người dân khi mua đô la, vì theo Ngân hàng Nhà nước, để đáp ứng nhu cầu USD cho người dân, nhiều ngân hàng thương mại cũng phải chịu các chi phí như xuất nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt, chi phí kiểm đếm, bảo quản, bảo đảm an toàn, chi phí do đọng vốn... Tuy nhiên mức phí cộng thêm là bao nhiêu thì Ngân hàng Nhà nước phải tính toán kỹ rồi mới công bố.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là một trong những giải pháp quan trọng được cơ quan này dự kiến thức hiện triển khai trong thời gian tới nhằm quản lý và bình ổn thị trường ngoại tệ theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước cũng vừa bác bỏ thông tin đăng trên một số phương tiện là Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành thông tư cho phép các ngân hàng thương mại được thu phí tối đa 2% so với tỷ giá niêm yết khi bán ngoại tệ cho khách hàng là cá nhân có nhu cầu hợp pháp như học tập, chữa bệnh, công tác… ở nước ngoài.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thông tin trên chỉ là đề xuất của các thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia tại cuộc họp với Chính phủ vào cuối tuần trước.
Hiệu ứng đô la hóa kéo lãi suất giảm
Trong vài tuần trở lại đây, thị trường ngoại tệ đã dần đi vào ổn định kể cả trên phương diện lãi suất và tỷ giá. Theo các chuyên gia, đây là kết quả tích cực của đợt thanh tra, kiểm tra quyết liệt các cửa hàng kinh doanh thu đổi ngoại tệ tự do và cả những biện pháp mạnh về việc chống đô la hóa trong nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan.
NHững ngày trước đây, cả lãi suất huy động VND và USD đều ở mức cao. Tuy nhiên so với vay VND thì vay USD vẫn có lợi hơn nên nhiều doanh nghiệp đã vay USD sau đó lại chuyển sang VND để sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, thị trường tiền tệ đã có phần méo mó.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi tín hiệu sẽ thắt chặt việc cho vay ngoại tệ trong thời gian tới. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là rà soát lại các tiêu chí cho vay ngoại tệ, theo hướng siết với cho vay nhập khẩu hàng cao cấp, xa xỉ để hạn chế nhập siêu, chính vì vậy nhu cầu vay đô la sẽ giảm nên các ngân hàng buộc phải giảm lãi suất huy động USD.
Phó Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết, họ đang họp và cân nhắc việc giảm tiếp lãi suất tiết kiệm USD dù vừa mới hạ thời gian ngắn trước đó. Theo quan chức này, nhu cầu cho vay đôla dự kiến sẽ giảm, kèm việc các nhà băng bạn giảm lãi suất là nguyên nhân khiến ngân hàng này cũng làm theo.
Bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, đây là việc làm cần thiết, nếu không siết chặt tín dụng ngoại tệ thì các ngân hàng có thể tìm cách huy động ngoại tệ từ việc tăng lãi suất và cho vay ngoại tệ.
Còn theo Tiến sỹ Lê Thẩm Dương, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, xu hướng giảm lãi suất huy động USD là hợp lý và phù hợp với lộ trình chống tình trạng đô la hóa nền kinh tế và chủ trương ổn định tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước.
Bởi nếu muốn hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ trong dân cần phải tạo một khoảng cách chênh lệch hợp lý giữa lãi suất USD và lãi suất VND. Tỷ giá đang có xu hướng ổn định, nếu kéo giảm dần lãi suất huy động USD người dân sẽ bán USD gửi ngân hàng vì nhận thấy giữ USD không có lợi so với giữ VND./.
Minh Thúy (Vietnam+)